Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới Nâng cao

Thứ hai - 01/04/2024 04:54
Cán bộ và nhân dân xã Hộ Độ chung tay xây dựng Nông thôn mới phấn đấu xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Năm 2024 là năm xã Hộ Độ quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Hộ Độ phải thực hiện hoàn thành và về đích trong năm 2024.
 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình, mục tiêu, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hơn 70% dân số toàn quốc và được triển khai thực hiện trong thời gian dài.
 Xây dựng nông thôn mới đặt ra là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ những chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ.
     Khi tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ của Nhà nước các cấp, người dân tại cộng đồng dân cư nông thôn đã từng bước được tăng cườngkỹnăng về quản lý nhằm tận dụng triệt để các nguồn lực tại chỗ và bên ngoài. Khi xem xét quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động trong phát triển nông thôn, vai trò của người dân ở đây được thể hiện: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Như vậy, vai trò của người dân vẫn theo một trật tự nhất định, các trật tự ở đây hoàn toàn phù hợp với quanđiểm của Đảng ta “lấy dân làm gốc”. Các nội dung trong nâng cao vai trò của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới được hiểu:
       Thứ nhất, quyền được biết, tiếp thu, được thông tin về các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Để phát huy được quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, cần gắn việc “dân biết” - tức là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của Nhân Dân đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.
         Thứ hai, Nhân dân được thảo luận, bàn bạc và quyết định hoặc gián tiếp quyết định thực hiện các đề án, kế hoạch, quy hoạch gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngay từ cơ sở, việc “dân bàn” - tức là bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của Nhân Dân trên địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi, trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương có vai trò rất quan trọng. Việc góp ý kiến của người dân là kênh thông tin quan trọng, thậm chí đóng vai trò “phản biện”, “thẩm định” các phương án và quy hoạch ban đầu. Qua đó, giúp cho các phương án xây dựng nông thôn mới (qua những lần điều chỉnh từ sự góp ý của người dân) bám sát thực tế, có sự phù hợp, tính khả thi cao và khi triển khai thực hiện có được những thuận lợi cùng với đó là những kết quả tốt đẹp.
        Thứ ba, Nhân dân có quyền và có trách nhiệm đầu tư phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn; quyền được đầu tư phát triển kinh tế vì mục tiêu nông thôn mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó người dân là chủ thể thực hiện. Cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước và các nguồn lực hỗ trợ đầu tư khác của xã hội, người dân phải tự giác, tích cực thực hiện. Vì vậy, để thực hiện quyền làm chủ, người dân vừa phải thực hiện đóng góp, vừa phải trực tiếp khai thác, sử dụng, tôn tạo, bảo quản hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội tại nông thôn. Do điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nên bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn cần được xã hội hóa bằng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trong đó không thể thiếu sự tham gia của Nhân Dân. Hơn ai hết, Nhân dân hiểu rằng, tham gia vào quá trình này cũng là đem lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân người dân và trên thực tế đang phát triển thành phong trào thi đua sôi nổi, sức lan tỏa rộng lớn, có hiệu quả ở địa phương.
       Thứ tư, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân là hình thức thực hành dân chủ trực tiếp, là nội dung quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân tại cơ sở. “Dân kiểm tra, giám sát” có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính. Mặt khác, Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thực tế thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của chính quyền địa phương.
      Thứ năm, bên cạnh các nội dung về dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, trong Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm một nội dung là “dân thụ hưởng”. “Dân thụ hưởng” nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa thụ hưởng và cống hiến nếu được thực hiện đúng sẽ tạo ra một động lực mới trong quá trình phát triển đất nước.
Từ đó, hoàn thiện thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
       Thứ sáu, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị. Phải làm cho người dân thực hiện đầy đủ và phát huy vai trò tích cực của mình vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là biện pháp bảo đảm để tổ chức đảng, bộ máy chính quyền nhà nước và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực phục vụ Nhân dân đúng với bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
       Thứ bảy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự ở nông thôn. Một nội dung quan trọng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là việc nâng cao vai trò của Nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và an ninh, trật tự tại địa phương. Đây là một tiêu chí cơ bản trong bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay. Việc giữ gìn và phát huy văn hóa trước hết là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong phong tục, lối sống của cộng đồng dân cư ở địa phương đã và đang là động lực cho sự phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

        Bên cạnh đó, công tác đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn nông thôn trong tình hình mới là công việc phức tạp, khó khăn cần có sự kiên trì, xuyên suốt và phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là việc riêng của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng vũ trang. Việc phát huy dân chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cần thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn.
Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của Nhân Dân  xã nhà trong xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện chương trình đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của xã nhà đã có sự thay đổi rõ nét
Nâng cao vai trò của người dân là nâng cao thể chế quản lý, tự quản của cộng đồng người dân như xây dựng và thực hiện các hương ước của thôn, xóm.
Phát huy vai trò của trưởng thôn, dòng họ tại thôn; thực hiện đoàn kết trong toàn dân, xây dựng các mối quan hệ tốt trong thôn.
Phát huy tinh thần thương yêu đùm bọc,  giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, 
phòng chống và đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội.
        Đặc biệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được phát huy và từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới thì càng thể hiện rõ hơn. Qua triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bà con Nhân Dân trên địa bàn xã nhà đã hiến hàng ngàn m2 đất, hàng ngàn ngày công, cùng  nhiều tài sản, công trình, cây cối giá trị lên tới hàng tỷ đồng để mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông, nhà văn hóa thôn. Đường giao thông đảm bảo đi lại thuận tiện và có điểm sinh hoạt cộng đồng khang trang, bề thế. Diện mạo quê hương ngày càng đổi mới, kinh tế phát triển, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy, an ninh trật tự đảm bảo, hệ thống chính trị vững mạnh./.
        Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân!
                                               (Trương Văn Tý - Địa chính Nông nghiệp – NTM)


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây