Điều kiện tự nhiên

 1. Vị trí địa lý
Hộ Độ là đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Lộc Hà, cách Thành phố Hà Tĩnh 7 km về phía Bắc, cách trung tâm huyện lỵ 7 km về phía Nam. Địa giới hành chính của xã được xác định: phía Bắc giáp xã Mai Phụ và Thạch Mỹ; phía Nam giáp xã Thạch Hạ; phía Đông giáp xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và Thạch Long.
Đến với xã Hộ Độ, có thể đi theo các trục đường: dọc theo Thành phố Hà Tĩnh về phía Nam, qua Tỉnh lộ 9, rẽ trái khoảng 7 km. Hoặc đi theo Quốc lộ 1A, qua ngã tư xã Thạch Long (Thạch Hà), đi về phía Đông khoảng 2km.
2. Khí hậu
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa hai đới khí Bắc - Nam, Hộ Độ chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 22oC - 24oC. Tổng tích ôn là 8600oC - 88000C. Độ ẩm không khí bình quân 86%, tháng khô nhất 60% (tháng 1 đến tháng 3), tháng ẩm nhất 90% (tháng 8, tháng 9). Lượng bốc hơi bình quân 638 mm, tháng cao nhất 82mm (tháng 4 đến tháng 6), tháng thấp nhất 22 mm (tháng 12 đến tháng 2). Hộ Độ chịu ảnh hưởng của hai loại gió chính: gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam, mỗi năm có 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Dựa vào chế độ gió, có thể phân thành 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. 
Mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 10): Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ có ngày lên đến 400C (nóng nhất là tháng 6,7). Số giờ nắng trung bình trong các tháng là 178 giờ. Mùa này thường xuất hiện gió Tây Nam (thổi từ tháng 4 đến tháng 9) - thường gọi là gió Lào. Gió Lào thổi vào mang theo hơi nóng, tốc độ trung bình 1,5m - 2m/giây. Từ tháng 7 đến tháng 10, Hộ Độ thường có bão (trung bình 3 cơn bão/năm). Bão đổ bộ kéo theo mưa lớn, thường làm nước thủy triều dâng, gây ngập lụt trên diện rộng.
Mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau): số ngày mưa trên 190 ngày/năm và phân bố theo mùa. Mùa này thường xuất hiện gió mùa Đông Bắc, mang theo không khí lạnh, gây mưa. Nhiệt độ bình quân 190C, có những ngày xuống 90C. Lượng mưa tập trung từ 70 đến 90% lượng mưa của cả năm, trung bình 2000 mm nên vùng thường bị ngập lụt. 
Do gần biển, Hộ Độ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thủy triều. Bên cạnh đó, nhật triều không đều khiến vùng đất này khác với các vùng ven sông, biển khác. 

3. Sông ngòi
Hộ Độ được bao bọc bởi 3,3 km sông Hà Hoàng, chảy từ Thạch Sơn, Thạch Long đổ về Đò Diệm (phía Tây xóm Nam Hà). Sông Cái từ thành phố Hà Tĩnh cũng chảy về hội tụ ở Ngã ba Sơn rồi đổ ra biển. Ngoài ra, hệ thống kênh C2 (rộng 50 m), chạy từ cống Bình Hà đổ vào sông Hạ Hoàng theo thủy triều lên xuống, tạo thành đường ranh giới dài 800 m, tách Hộ Độ và Mai Phụ ra thành hai vùng.
Trước đây, Hộ Độ có nhiều sông, lạch đổ ra cửa biển Nam Giới. Phía Bắc, có sông Cổ Ngựa (ngày nay gọi là kênh C2), Vũng Bè. Từ sông Cổ Ngựa, có nhánh lạch Cạn chảy qua xóm Bại vào tận Xuân Nam (lạch Cửa Đình). Lạch Cạn và lạch Con Cá nối dòng với nhau thành lạch Nỗm, chảy từ xóm Tân Xuân đến xóm Tân Hợp. Lạch Con Cá chảy qua xóm Tân Hợp, Bình Hà, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa làng Xuân Tình và thôn Tràng Thọ. Ngoài ra, vùng còn có các hói, cồn, như: hói Cồn Cóc, hói Cầu Đình, hói Rè, hói Con Cò, hói Lạch Hà, Lạch Giá...
Hệ thống kênh - lạch là chỗ sinh trưởng lý tưởng của dải rừng ngập mặn, góp phần tạo nên những bãi bồi ven sông. Hàng năm, kênh, lạch, cồn, hói mang đến cho địa phương nguồn thủy hải sản lớn (500 - 700 tấn), môi trường thuận lợi để các cây trồng nước mặn - loại cây có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê biển, cải tạo môi trường sinh thái như: đước, chai, sú, vẹt, hà voọc… phát triển. Ngoài ra, đây còn là nơi tránh trú của các loài chim quý như: cò, vạc, vịt trời... Dưới chân rừng ngập mặn có bãi bùn với hàng chục loài thủy sản trú ngụ, sinh sôi như: cáy, còng, tôm, cua, cá, ốc, hàu, … Dọc sông Hoàng Hà còn có bãi ngao, sò, hàu tự nhiên là cơ sở để Hộ Độ phát triển ngành khai thác thủy - hải sản và khu du lịch sinh thái.
4. Đất đai
Theo số liệu thống kê của địa chính xã, Hộ Độ có tổng diện tích đất tự nhiên là 668,96 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp: 295,24 ha; đất phi nông nghiệp là 345,21 ha; đất chưa sử dụng 30,51 ha.
Diện tích đất nhiễm mặn lớn (chiếm 2/3 diện tích), có thể chia thành hai loại: Đất nhiễm mặn dùng sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; đất ngập mặn ven sông dùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. 
           5. Giao thông
 Xã Hộ Độ nằm sát biển, được bao bọc bởi hệ thống kênh lạch chằng chịt. Việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các xóm, làng và vùng lân cận chủ yếu bằng đường thủy, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và cung cấp các loại thủy sản nước mặn của địa phương cho các vùng lân cận. Đoạn sông Hạ Hoàng là tuyến đường thủy quan trọng, là bến đỗ của tàu thuyền. Tuyến Đê 4617 dài gần 4,6km có 9 cống phục vụ điều tiết nước sản xuất và thoát lũ cho địa bàn xã.
Hộ Độ các tuyến đường bộ: Tỉnh lộ 9 chạy qua, trục đường chiến lược Quốc phòng 22/12, nối Quốc lộ 15B với mỏ sắt Thạch Khê và 3 cầu lớn bắc qua các xã Thạch Hạ, Thạch Sơn, Thạch Đỉnh. Cầu Hộ Độ bắc qua sông Hà Hoàng, nối thành phố Hà Tĩnh với huyện Lộc Hà; cầu Thạch Sơn (nối Thạch Sơn với Hộ Độ) và cầu Cửa Sót (nối Hộ Độ với Thạch Đỉnh) là những chiếc cầu quan trọng. Năm 2007, đường vào mỏ sắt Thạch Khê được xây dựng (qua Hộ Độ dài 2,5 km), nối mỏ sắt Thạch Khê với khu công nghiệp Vũng Áng.
 

 
 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây