Kết quả thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ trên địa bàn huyện

Thứ ba - 22/10/2024 05:31
ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN LỘC HÀ
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:         /BC-UBND         Lộc Hà, ngày       tháng 10 năm 2024
 
BÁO CÁO
Kết quả thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội
thông qua tổ chức dịch vụ trên địa bàn huyện


[[Thực hiện Công văn số 2858/SLĐTBXH - BTXH ngày 01/10/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh về việc báo cáo kết quả chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả. UBND huyện Lộc Hà báo cáo kết quả thực hiện chi trả trợ chính sách trợ giúp xã hội thông qua Bưu điện trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện nhiều văn bản triển khai thực hiện việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả, đồng thời đã chủ động ký hợp đồng dịch vụ chi trả trợ giúp xã hội hàng tháng với Bưu điện huyện.
2. Công tác truyền thông thay đổi phương thức chi trả tại địa phương
Những năm qua, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tổ chức tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi họp thôn, tổ dân phố, tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, thị trấn. Ban hành văn bản thông báo ngày giờ chi trả cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội cụ thể là từ ngày 10 đến ngày 15 hàng tháng; địa điểm nhận là tại điểm Bưu điện văn hóa các xã, thị trấn (do nhân viên Bưu điện trực tiếp chi trả). Từ tháng 7/2023 thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 15/6/2023 của UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 1034/UBND-LĐTBXH đôn đốc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt và thực hiện tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện không dùng tiền mặt và thực hiện nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, bước đầu tham gia đã có một số đối tượng đăng ký chuyển tiền qua tài khoản, hiện nay đã đạt 98,5% và vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện việc chi trả hàng tháng qua tài khoản ngân hàng theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Công tác phối hợp thực hiện trong công tác chi trả
- Khi có chủ trương thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng qua hệ thống Bưu điện, các ngành liên quan đã tích cực phối hợp triển khai thuận lợi, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng, giúp cho công tác quản lý đối tượng, thiết lập hồ sơ, đề nghị và quyết định trợ cấp đảm bảo liên tục.
- Thực hiện tốt việc quản lý tăng, giảm đối tượng hàng tháng, niêm yết lịch cấp phát tại các xã, thị trấn.
- Công tác phối hợp giữa phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn với Bưu điện huyện tương đối hiệu quả; chi trả đảm bảo thời gian và kịp thời đến tay đối tượng. Riêng đối tượng là người già sức khỏe yếu và không có người nhận thay thì nhân viên Bưu điện đến tận nhà để cấp phát.
- Phòng Lao động - Thương binh và xã hội đã phối hợp với Bưu điện huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng mở tài khoản cá nhân và chi trả trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cá nhân.
4. Kết quả thực hiện công tác chi trả
Theo đánh giá kết quả, từ năm 2022 đến tháng 9 năm 2024, tổng số lượt người hưởng chính sách trợ giúp xã hội được chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 5.847 lượt người/tháng với tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến 09/2024 là 92.071.250 nghìn đồng (có Phụ lục kèm theo).
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
- Nhìn chung công tác chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện bước đầu tuy có khó khăn, nhưng vẫn được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo việc chi trả kịp thời cho đối tượng;
- Quá trình triển khai thực hiện đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể, các ngành trên địa bàn huyện;
- Việc chi trả các chính sách trợ cấp hàng tháng cho đối tượng người hưởng chính sách trợ giúp xã hội qua hệ thống Bưu điện không chỉ thực hiện chính xác, nhanh chóng, kịp thời; giảm được rủi ro trong quá trình nhận tiền từ phòng về cấp phát cho đối tượng thụ hưởng tại các xã, thị trấn;
- Đảm bảo thực hiện trợ cấp đến tay đối tượng đầy đủ số tiền
theo danh sách của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cung cấp,
quyết toán đúng thời gian quy định;

- Sự phối hợp giữa phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bưu điện huyện, UBND các xã, thị trấn chặt chẽ, thống nhất các giải pháp thực hiện, có sự hỗ trợ tác động qua lại trong công tác kiểm soát đối tượng khi có biến động đối tượng trên địa bàn;
- Tách bạch trong việc tổ chức chi trả và xét duyệt trợ cấp từ đó tạo sự minh bạch, công khai trong công tác chi trả, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả;
- Giảm áp lực công việc đối với công chức ngành lao động xã, thị trấn đồng thời cũng tạo điều kiện kiểm soát chống tiêu cực trong thực hiện cấp phát.
2. Hạn chế
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách trợ giúp xã hội qua bưu điện vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như:
- Trong công tác phối hợp giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Bưu điện huyện có lúc chưa nhịp nhàng, nhất là khi có phát sinh đột xuất, liên quan đến tình hình đối tượng có biến động ở cơ sở;
­- Nhân viên chi trả trợ cấp tại một số đơn vị thường xuyên thay đổi, nhân viên mới chưa nắm địa bàn, đối tượng được nhận trợ cấp người hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng từ đó công tác chi trả chưa bao quát hết đối tượng nhất là các đối tượng đã chuyển đi khỏi địa bàn nhiều tháng không đến nhận trợ cấp nhưng nhân viên chi trả vẫn không nắm được lý do đối tượng không đến nhận tiền.
- Nhân viên chi trả chưa nắm được cơ bản về chính sách ưu đãi người hưởng chính sách trợ giúp xã hội, chưa quen với từng loại đối tượng nên quá trình chi trả chưa giải thích cụ thể cho đối tượng được rõ, nhất là khi có thay đổi về thời gian, mức trợ cấp;
- Phần lớn nhân viên chi trả chỉ thực hiện cấp phát theo danh sách do phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, ít quan tâm cập nhật sự thay đổi về điều kiện nhận trợ cấp của đối tượng để thông tin cho công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời cập nhật, báo cáo về cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp;
­- Từ khi chuyển sang hình thức chi trả qua hệ thống Bưu điện, một số xã, thị trấn xem công tác quản lý đối tượng là của nhân viên chi trả. Từ đó, ít quan tâm đến công tác quản lý biến động của đối tượng. Mặt khác, còn có tư tưởng công tác chi trả là của ngành Bưu điện nên chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức chi trả, để kịp thời phối hợp khắc phục những hạn chế, giải quyết vướng mắc xảy ra.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
- Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng giao tiếp, các chính sách về người hưởng chính sách trợ giúp xã hội quy trình quản lý nguồn tiền chi trả cho nhân viên giao dịch tuyến xã, thị trấn;
- Tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người hưởng chính sách trợ giúp xã hội mở tài khoản cá nhân và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đạt chỉ tiêu tỉnh giao;
IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách trợ giúp xã hội qua Bưu điện trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện một số công việc trọng tâm sau:
1. Đối với cơ quan Bưu điện
- Tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả, bảm bảo tỷ lệ chi trả cao nhất; chỉ đạo nhân viên chi trả thường xuyên liên hệ, phối hợp, trao đổi với UBND xã, thị trấn trong quá trình tổ chức chi trả như: thông báo đến UBND xã, thị trấn về thời gian, địa điểm tổ chức chi trả; kết quả tổ chức chi trả trong kỳ chi trả hàng tháng, phối hợp kiểm tra, làm rõ các trường hợp không nhận trợ cấp, nhất là các trường hợp không nhận trợ cấp từ 02 tháng liên tục trở lên; đảm bảo thủ tục, thời gian thanh quyết toán theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chi trả tại địa phương; phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND xã, thị trấn nắm tình hình biến động (tăng, giảm) và báo cáo về phòng Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh, lập dự toán chi trả trợ cấp kịp thời cho tháng tiếp theo.
-  Tập huấn nghiệp vụ về công tác chi trả, kỹ năng chi trả và các chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhân viên phụ trách chi trả của hệ thống Bưu điện, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
- Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền để các đối tượng tự nguyện mở thẻ và chuyển tiền qua số tài khoản.
2. Đối với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội
- Tiếp tục tuyên truyền, giải thích về chính sách đối với người hưởng trợ cấp xã hội đến các cấp, các ngành và nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân có trách nhiệm đến nhận tiền trợ cấp cho người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo thời gian, địa điểm đã thông báo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyết toán (trừ các trường hợp không thể đến nhận theo quy định).
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người hưởng trợ cấp xã hội, nhất là việc chi trả trợ cấp hàng tháng qua bưu điện đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức và thời gian địa điểm chi trả. Kịp thời giải quyết những khó khăn, phát sinh, vướng mắc.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, tổng hợp các phản ánh những tồn tại, phát sinh từ UBND xã, thị trấn để trao đổi, phối hợp với Bưu điện cùng cấp có điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tế của địa phương hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết.
- Thực hiện quy trình lập danh sách, chuyển kinh phí cho đơn vị chi trả và quyết toán đúng thời gian theo quy định.
- Tập trung quyết liệt các giải pháp để tăng tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt.
3. Đối với UBND các xã, thị trấn
- Theo dõi, quản lý, báo cáo tăng, giảm đối tượng hàng tháng và các nhóm đối tượng chính sách khác trên địa bàn về phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phối hợp chặt với nhân viên Bưu điện trực tiếp chi trả kiểm tra, làm rõ các trường hợp chưa nhận trợ cấp; đến tận nhà thăm hỏi, động viên đối với người ốm đau, không đến địa điểm chi trả để nhận trợ cấp.
- Giải thích, hướng dẫn khi đối tượng thắc mắc, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện các chính sách.
- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đối tượng mở thẻ và thực hiện chi trả qua số tài khoản.
- Khi chế độ của đối tượng nhận qua tài khoản cá nhân thì việc theo dõi, tiếp xúc với đối tượng của ngành cũng sẽ khó khăn hơn. Vì vậy yêu cầu UBND các xã, thị trấn, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi cập nhật biến động tăng, giảm đối tượng để báo cáo với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cắt giảm kịp thời khi đối tượng qua đời, chuyển đi... Tránh tình trạng đối tượng đã chết nhưng không báo cáo kịp thời nên tiền vẫn chuyển vào tài khoản của đối tượng, dẫn đến việc thu hồi tiền đối tượng về sau sẽ rất khó khăn;
- Các ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đề nghị cấp trên bố trí kinh phí, mở rộng hệ thống rút tiền tự động để tạo điều kiện cho người hưởng sau khi mở nhận chế độ qua tài khoản, thẻ ATM được thuận lợi;
- Việc tuyên truyền, vận động đối tượng hưởng trợ cấp xã hội mở tài khoản cá nhân đã khó, việc giữ chân các đối tượng đã mở tài khoản tại các ngân hàng, quỹ tín dụng lại càng khó hơn nên các Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, khi các đối tượng đến các ngân hàng, quỹ tín dụng để nhận tiền mặt đề nghị ưu tiên giải quyết nhanh chóng, không được chậm trể để người hưởng so bì trước đây nhận tiền mặt do Bưu điên phát nhanh hơn mở tài khoản nhận tiền mặt qua các ngân hàng, quỹ tín dụng hiện nay rồi yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội dừng chi trả qua tài khoản sang chi trả bằng tiền mặt, hoặc hủy bỏ tài khoản đã mở tại đơn vị mình sang mở TK tại đơn vị khác;
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ hệ thống Bưu điện trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà xin báo cáo./.
Nơi nhận:
- - Sở Lao động - TB&XH;
- - Chủ tịch, PCT UBND huyện;
- - Bưu điện huyện;
- - UBND các xã, thị trấn;
- - Lưu: VT, LĐTBXH.
TM.  ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Việt Cường

         

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây